Với việc nhiều năm duy trì nguồn thu ổn định và tình hình tài chính vững mạnh, không ngạc nhiên khi EVNGENCO 2 trong thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư nhiều dự án, đặc biệt là năng lượng tái tạo.
Nhà máy thủy điện A Vương (Ảnh: EVNGENCO 2)
Ngành Điện Việt Nam là một trong những lĩnh vực then chốt, hấp dẫn đầu tư do tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhu cầu sử dụng điện năng tại Việt Nam ngày một tăng cao và được kỳ vọng tiếp tục phát triển trong tương lai. Trong năm 2020, bất chấp ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 2,91%, thuộc nhóm tăng trưởng cao nhất thế giới.
Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những nước có khả năng thu hút vốn đầu tư lớn từ nước ngoài. Cụ thể trong năm 2020, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đạt 28,53 tỷ USD.
Với sự chuyển mình tích cực của cả nước trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói riêng và sự phát triển của nền kinh tế nói chung, ngành điện đóng vai trò rất quan trọng.
Một số liệu cho thấy, tốc độ tăng trưởng nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 trung bình đạt trên 10%/năm. Dự báo, phụ tải điện vẫn còn tiếp tục tăng trưởng cao trong giai đoạn 2021 – 2030 với tốc độ bình quân khoảng 8%/năm và khoảng 4%/năm trong giai đoạn 2030 – 2045.
Mặt khác, nếu như năm 2010 sản lượng điện thương phẩm là 85,4 tỷ kWh, thì đến năm 2020 con số này đạt 225,4 tỷ kWh, tốc độ tăng trưởng bình quân 9,66%/năm, gấp khoảng 1,6 lần so với tăng trưởng GDP. Như vậy, có thể thấy nhu cầu về cung - ứng điện năng của nước ta đang tăng trưởng mạnh mẽ và ổn định qua từng năm.
Với tiềm năng như vậy, các doanh nghiệp ngành điện rất được giới đầu tư ưa chuộng. Thêm vào đó, tình hình tài chính nhóm công ty này cũng được đánh giá cao bởi doanh thu/lợi nhuận luôn duy trì được mức ổn định trong các giai đoạn khác nhau của chu kỳ kinh doanh.
Tiềm lực của EVNGENCO 2
Là cái tên nổi bật trong lĩnh vực sản xuất điện, không ngạc nhiên khi phiên đấu giá lần đầu ra công chúng 580,1 triệu cổ phần Công ty Mẹ - Tổng công ty Phát điện 2 (diễn ra vào ngày 8/2), tương ứng 48,9% vốn điều lệ đang thu hút sự chú ý của giới đầu tư. Được biết, mức giá khởi điểm là 24.520 đồng/cổ phần, đồng nghĩa nhà nước sẽ thu về tối thiểu 14.224 tỷ đồng nếu phiên đấu giá thành công.
EVNGENCO 2 chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày 1/1/2013. Trải qua khoảng 8 năm hình thành và phát triển, vốn góp chủ sở hữu EVNGENCO 2 tính đến kỳ báo cáo gần nhất đạt 11.862 tỷ đồng, do EVN nắm giữ 100%.
Hiện tại, Tổng công ty hoạt động với 6 công ty con và 7 đơn vị hạch toán phụ thuộc, hoạt động trải dài trong lĩnh vực thủy điện, nhiệt điện than, nhiệt điện dầu,… Có thể kể đến một số cái tên tiêu biểu, đó là Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn – doanh nghiệp do EVNGENCO 2 nắm 100%. Ngoài ra, Tổng công ty còn sở hữu từ 51% vốn tại 5 doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán, gồm: CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (UpCoM: HND), CTCP Nhiệt điện Phả Lại (HOSE: PPC), CTCP Thuỷ điện Thác Mơ (HOSE: TMP), CTCP Thuỷ điện Sông Ba Hạ (UpCoM: SBH), CTCP Thuỷ điện A Vương (UpCoM: AVC).
Dù vậy, để hiểu rõ về tình hình tài chính EVNGENCO 2, sẽ là hợp lý khi tiếp cận cả giai đoạn 2015 – 2020.
Tính toán của Nhadautu.vn cho thấy, doanh thu hợp nhất của EVNGENCO 2 giai đoạn 2015 - 2020 tăng trưởng bình quân 4,29%/năm. Đáng chú ý, lãi ròng cùng khoảng thời gian này tăng bình quân đến 114,5%/năm.
Chưa kể, nợ vay và hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu của EVNGENCO 2 cho thấy xu hướng ngày càng giảm. Đơn cử, hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu EVNGENCO 2 (tính theo BCTC Công ty mẹ) tính đến cuối năm 2020 ước là 1,3 lần.
*Số liệu lấy theo Công ty mẹ
Doanh thu ổn định, tình hình tài chính lành mạnh, không ngạc nhiên khi EVNGENCO 2 đẩy mạnh đầu tư vào các dự án năng lượng trong tương lai, đặc biệt là năng lượng tái tạo. Lưu ý rằng, tại thời điểm ngày 31/12/2020, EVNGENCO 2 sở hữu lượng tiền mặt khá lớn với tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn và gửi có kỳ hạn 3 tháng trở xuống là 2.597,64 tỷ đồng, tiền gửi có kỳ hạn ngắn hạn (trên 3 tháng và 6 tháng trở xuống) là 2.262,5 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, 2 dự án của EVNGENCO 2 đã được phê duyệt chủ trương đầu tư là dự án điện gió Hướng Phùng 1 công suất 30 MW, tổng mức đầu tư 1.256 tỷ đồng và dự án điện gió Công Hải 1 – giai đoạn 2 với công suất 25 MW, tổng mức đầu tư 1.079 tỷ đồng.
Cánh đồng pin mặt trời tại Nhà máy thủy điện Thác Mơ (Ảnh: EVNGENCO 2)
Không những thế, doanh nghiệp cũng dự kiến đầu tư nguồn điện mới khác như: Các dự án điện mặt trời nổi trên lòng hồ thủy điện thuộc EVNGENCO 2 (Hồ An Khê, Hồ Ka Nak, Hồ Quảng Trị) với tổng công suất 220 MW, tổng mức đầu tư 5.456 tỷ đồng; dự án điện mặt trời Quảng Trị với công suất 30 MW, tổng mức đầu tư 566,806 tỷ đồng; hay dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn V (công suất 1.050 MW, tổng mức đầu tư 30.314 tỷ đồng).
Những năm gần đây, năng lượng tái tạo được đánh giá là “mỏ vàng” thu hút sự tham gia của khối tư nhân. Không khó để điểm mặt nhiều tập đoàn lãi lớn từ lĩnh vực này như: Xuân Thiện Group, Trung Nam Group, Trường Thành Group,…. Do đó, giới đầu tư không khỏi kỳ vọng đây sẽ là cỗ máy in tiền trong tương lai của EVNGENCO 2, nhất là khi bản thân doanh nghiệp đã giàu kinh nghiệm và nguồn lực. Mặt khác, đây cũng là bước đi hợp lý của EVNGENCO 2 trong bối cảnh tình hình thủy văn với những biến đổi khí hậu, El Nino, hạn hán,… đã có những ảnh hưởng tiêu cực đến các nhà máy thủy điện.
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn nhà nước thành công sẽ tạo nhiều lợi ích, là động lực tăng trưởng của thị trường chứng khoán, tạo môi trường cho doanh nghiệp phát triển kinh doanh.
Ở khía cạnh khác, việc cổ phần hóa doanh nghiệp, mà điển hình là phiên IPO EVNGENCO 2 sắp tới đây vào ngày 8/2/2021, là cơ hội để những nhà đầu tư giàu tiềm lực có cơ hội sở hữu cổ phần và đồng hành phát triển cùng doanh nghiệp.
Đặc biệt, với tiềm lực và thế mạnh sẵn có như đã phân tích, EVNGENCO 2 hứa hẹn sẽ trở thành cổ phiếu đáng chú ý một khi đã niêm yết lên sàn chứng khoán theo quy định.
Trích theo Báo Nhàđầutư https://nhadautu.vn/truoc-them-ipo-evngenco-2-co-gi-hap-dan-d47615.html