Xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Thứ ba, 8/9/2015 | 10:29 GMT+7

Là một bộ phận quan trọng của văn hóa Việt Nam, văn hóa doanh nghiệp là sự hòa quyện những nhân tố văn hóa trong kinh doanh của cha ông ta với những tinh hoa văn hóa kinh doanh của các nền kinh tế hàng hóa trên thế giới. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay.

Văn hóa - động lực của sự phát triển kinh tế, xã hội

Nhận thức sâu sắc vị trí và vai trò của công, thương nghiệp đối với công cuộc kiến thiết nước nhà, ngay sau khi giành độc lập dân tộc, ngày 18-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cuộc gặp gỡ với các nhà công thương Hà Nội tại Phủ Chủ tịch nhằm tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ đối với việc khôi phục, phát triển kinh tế đất nước. Sau cuộc gặp này, Chính phủ Hồ Chí Minh được giới công thương Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung ủng hộ rất lớn về vật chất, qua đó giảm bớt khó khăn về tài chính cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của giới công - thương, ngày 13-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới công - thương (doanh nhân, doanh nghiệp ngày nay) Việt Nam. Trong thư, Người viết: “Được tin giới công - thương đã đoàn kết lại thành Công - Thương Cứu quốc đoàn và gia nhập Mặt trận Việt Minh, tôi rất vui mừng. Hiện nay, Công - Thương Cứu quốc đoàn đang hoạt động làm nhiều việc ích nước lợi dân, tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt”. Về vai trò, nhiệm vụ của giới công - thương trong các giai tầng xã hội ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới công - thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế, tài chính vững vàng và thịnh vượng”. Về trách nhiệm của các cơ quan công quyền đối với sự phát triển của giới công thương, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công - thương trong công cuộc kiến thiết...”(1). Bức thư chưa đầy 200 chữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là văn kiện đầu tiên của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với giới công - thương, mà còn là sự cổ vũ lớn lao cho giới công - thương vượt qua những khó khăn trước mắt, cùng toàn dân tham gia công cuộc bảo vệ và kiến thiết đất nước trong những năm tháng chiến tranh.

Theo thời gian, cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc của nhân dân ta ngày càng cam go, ác liệt. Mặc dù bận nhiều công việc trong lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân kháng chiến, kiến quốc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành nhiều thời gian quan tâm đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các xí nghiệp, doanh nghiệp; đặc biệt, Người đã có nhiều bài viết, nói, thư,… gửi giới công - thương, các xí nghiệp, doanh nghiệp trong nền kinh tế quốc dân. Nội dung các bài viết, nói, thư… ngoài việc đánh giá những thành tích đạt được, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ rõ những thiếu sót, khuyết điểm cần khắc phục, sửa chữa, đồng thời đề ra những giải pháp giúp xí nghiệp, doanh nghiệp phát triển. Trong bài Hoan nghênh Hội nghị cán bộ quản lý xí nghiệp trên báo Nhân dân số ra ngày 09-11-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên những phẩm chất cần có của người đứng đầu xí nghiệp, doanh nghiệp, đó là “phải thật sự cần, kiệm, liêm, chính. Phải thật sự chống bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí. Phải nâng cao cảnh giác, bảo vệ xí nghiệp. Phải khéo đoàn kết và lãnh đạo công nhân...”(2).

Đối với người lao động trong xí nghiệp, doanh nghiệp, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cần phải học nhiều thứ: chính trị, văn hóa, kỹ thuật, nghiệp vụ. Ngoài cách học ở trường, ở lớp, học trên sách, báo,... có một cách học rất tốt ai cũng có thể tham gia hằng ngày, đó là cách học tập ngay trong sản xuất, học tập những người, những nhân tố và đơn vị tiên tiến. Người tiên tiến cũng là những người lao động bình thường, nhưng trong tư tưởng, trong phương pháp làm việc của họ, có những điểm tốt có thể giúp cho sản xuất và công tác tiến nhanh, tiến mạnh. Chúng ta phải vì lợi ích chung mà dốc lòng học tập những điểm tốt ấy để cải tiến công tác một cách thường xuyên... Như vậy là làm cho sáng kiến, kinh nghiệm chung ngày càng dồi dào, trình độ tư tưởng, tổ chức, kỹ thuật chung ngày càng nâng cao. Do đó, sản xuất phát triển ngày càng nhanh và vững.

Theo số liệu thống kê, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh có khoảng 100 bài nói, viết, điện, thư cho các xí nghiệp, doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Cùng với những lĩnh vực khác, hoạt động liên quan đến các xí nghiệp, doanh nghiệp, doanh nhân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần làm phong phú thêm tư tưởng của Người. Trong hệ tư tưởng đó hàm chứa nhiều vấn đề thuộc các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, trong đó tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa là một nội dung quan trọng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, văn hóa có ý nghĩa vô cùng to lớn và giữ vị trí đặc biệt quan trọng. Văn hóa là động lực của sự phát triển xã hội, phát triển kinh tế; văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi. Với nhận thức văn hóa có nhiệm vụ phụng sự Tổ quốc và nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, “nước ta là một nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân”. Vì vậy, văn hóa cũng phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm: Vì nhân dân phục vụ và phát huy sứ mạng của toàn dân làm văn hóa. Chỉ khi nào được mọi tầng lớp nhân dân, mọi tổ chức chính trị, xã hội, các đoàn thể, tôn giáo, doanh nghiệp, nhà trường và gia đình tham gia tích cực, thường xuyên, liên tục, bền bỉ, văn hóa mới có thể thực hiện được những nhiệm vụ đã đề ra.

Văn hóa còn là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế, trong nhiều bài nói, bài viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập đến việc phải giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Đó là những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng dân tộc được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử, biểu trưng cho ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái, khoan dung, trọng đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động, dũng cảm trong chiến đấu của con người Việt Nam.

Văn hóa - yếu tố ảnh hưởng đến sự trường tồn của doanh nghiệp

Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa là một di sản vô cùng quý báu, đã và đang định hướng cho việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tư tưởng của Người về văn hóa có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.

Thứ nhất, hình thành và phát huy văn hóa doanh nghiệp, trước hết phải dựa vào con người. Bởi văn hóa doanh nghiệp không phải là kết quả của sự phát triển tự phát trong quá trình sản xuất kinh doanh mà được định hướng xây dựng và hình thành trong ý thức tự giác của người quản lý và các thành viên trong doanh nghiệp. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong văn hóa doanh nghiệp thì văn hóa doanh nhân là hạt nhân. Mọi sự thành bại của doanh nghiệp đều do doanh nhân tốt hay kém. Gắn với văn hóa doanh nhân là văn hóa quản lý, văn hóa pháp luật, văn hóa kinh doanh, văn hóa trong các tổ chức đảng và các tổ chức chính trị, xã hội của doanh nghiệp.

Thứ hai, doanh nghiệp cần nhận thức sâu sắc rằng, văn hóa làm nên nguồn lực xã hội to lớn, thấm sâu vào quá trình phát triển. Sự phát triển của doanh nghiệp có dấu ấn khai sáng của văn hóa. Văn hóa không chỉ là kết quả mà còn là yếu tố tạo nên sự phát triển nhanh và bền vững của doanh nghiệp. Phải đặt phát triển văn hóa ngang tầm và hài hòa với phát triển kinh tế. Làm tốt được yêu cầu này sẽ tạo được vị thế của doanh nghiệp, khẳng định thương hiệu đối với xã hội và hội nhập nhanh hơn với quốc tế.

Thứ ba, mỗi doanh nghiệp cần xây dựng văn hóa cho doanh nghiệp mình trên nền nhận thức và hiểu biết chung về văn hóa. Văn hóa doanh nghiệp không chỉ là xây dựng đời sống, lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh, phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, mà điều có ý nghĩa quan trọng là phát huy và thực hành dân chủ, quản lý dân chủ. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề dân chủ, sáng kiến và hăng hái có mối quan hệ rất mật thiết với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Sáng tạo và phát minh của con người tức là văn hóa. Những sáng kiến đó được áp dụng và khen ngợi sẽ giúp những người có sáng kiến đó càng thêm hăng hái.

Thứ tư, chú trọng khía cạnh đạo đức trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Có tài nhưng phải có đức. Có tài mà không có đức là có hại cho nước. Đạo đức hàng đầu trong tư tưởng Hồ Chí Minh là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, chống tham ô, lãng phí, quan liêu, nêu cao ý thức trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Mỗi doanh nghiệp cần xây dựng triết lý doanh nghiệp như là nét riêng, bản sắc của doanh nghiệp. Bảo vệ và cải thiện môi trường vừa là nét văn hóa doanh nghiệp vừa góp phần phát triển bền vững.

Thứ năm, xây dựng quan niệm hướng tới thị trường và luôn có trách nhiệm với xã hội trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, mỗi doanh nghiệp phải tích cực ủng hộ, tài trợ cho sự nghiệp giáo dục, văn hóa, thúc đẩy khoa học, kỹ thuật phát triển và tiến bộ. Thông qua các hoạt động nhân đạo và văn hóa, hình ảnh của doanh nghiệp trở nên tốt hơn.

Lịch sử đã minh chứng, thành công hay thất bại của mỗi doanh nghiệp đều gắn với việc có hay không văn hóa doanh nghiệp. Do vậy, hơn lúc nào hết, để doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững, ngoài việc chú trọng chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh của hàng hóa, cũng như lợi nhuận thu được, phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp trên nền tảng tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh. Phải coi tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa là kim chỉ nam soi đường cho việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập.

Theo Tạp chí Cộng sản

 

Theo Tạp chí Cộng sản