Thủy điện An Khê – Ka Nak: Chủ động ứng phó bão lũ
Thứ sáu, 19/7/2013 | 14:26 GMT+7
Những năm gần đây, thời tiết diễn biến phức tạp và khó lường, bão lụt bất thường xảy ra gây thiệt hại nặng nề về kinh tế và nguy cơ gây thảm họa khôn lường đến cuộc sống của người dân. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng tượng Thủy văn Trung ương, trong năm 2012, bão và áp thấp nhiệt đới có thể đến nhiều hơn và sớm hơn. Lượng mưa toàn mùa khu vực Tây Nguyên có khả năng cao hơn nhiều so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Thủy điện An Khê-Ka Nak nằm trên thượng nguồn sông Ba, là vùng có cường độ lũ lớn, có khả năng gây thiệt hại về tính mạng, tài sản công trình do đó Công ty đặc biệt quan tâm đến công tác PCLB. Ngay từ đầu năm Công ty đã có các bước chuẩn bị để sẵn sàng ứng phó, giảm thiểu tối đa hậu quả của bão lũ:
1. Củng cố và kiện toàn Ban phòng chống lụt bão.
2. Hoàn thành tất cả các hạng mục chống sạt lở, chuẩn bị vật tư thiết bị cung ứng kịp thời khi bão lũ xảy ra.
3. Xây dựng các phương án đảm bảo an toàn đập cho Nhà máy Thủy điện An Khê, Nhà máy Thủy điện Ka Nak và xây dựng phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du.
4. Lắp đặt hệ thống cảnh báo lũ, hệ thống cảnh báo lũ từ xa tại các huyện hạ du và hệ thống giám sát hồ chứa bằng camera giám sát hình ảnh tại đập tràn An Khê và đập tràn Ka Nak phục vụ chỉ đạo điều hành PCLB từ Nhà máy đến Văn phòng Ban chỉ đạo PCLB Trung ương.
5. Thành lập đội xung kích gồm 30 người được cắt cử giám sát và cảnh báo dân ở 4 địa điểm của hai xã Đông (huyện Kbang), Thành An (thị xã An Khê) trong trường hợp xả lũ.
6. Chủ động đưa ra các phương án dự phòng, tổ chức diễn tập phòng chống lụt bão, phối hợp chặt chẽ với địa phương trong công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn.
7. Để chủ động phòng tránh, giảm thiệt hại do lũ lụt, trong đó có công tác xả lũ từ các hồ thủy điện, Công ty đã có kế hoạch bám sát các bản tin dự báo thời tiết để xả lũ, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vận hành liên hồ chứa; nghiêm túc thực thi các chỉ đạo của Bộ, ngành cũng như Tập đoàn Điện lực Việt Nam về công tác phòng chống lụt bão 2012.
8. Ngoài ra, Công ty đã đưa 6 trạm cảnh báo vào hoạt động. Rút kinh nghiệm công tác phòng chống lụt bão năm 2011, trước khi tiến hành xả lũ năm nay, Công ty sẽ gửi thông báo bằng văn bản, fax, điện thoại, còi báo hiệu về mức xả, thời gian xả, thông tin về thủy văn hồ chứa, dự báo về mức xả trong thời gian sớm nhất, nhằm cảnh báo kịp thời đến các dân cư sinh sống hai bên bờ sông khu vực hạ du hồ chứa.
9. Kế hoạch sau mỗi trận lũ và sau cả mùa lũ, nhà máy phải kiểm tra tình trạng ổn định, an toàn công trình, thiết bị bao gồm cả ảnh hưởng xói lở ở hạ lưu đập tràn; Phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương kiểm tra thiệt hại vùng hạ du; Lập báo cáo diễn biến lũ; Sửa chữa những hư hỏng nguy hiểm đe dọa đến sự ổn định, an toàn công trình và thiết bị.
Công tác phòng chống lụt bão năm 2012 của Công ty với phương châm: "Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả, trong đó lấy phòng, tránh là chính" và phương châm 4 tại chỗ "chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ". Công ty đề ra mục tiêu bảo vệ sản xuất, tài sản của Nhà nước, tài sản và tính mạng của cán bộ, công nhân viên và nhân dân vùng hạ du, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Qua các động thái chuẩn bị tích cực nói trên, Công ty Thủy điện An Khê – Ka Nak đã sẵn sàng chủ động đối phó với mưa bão năm nay.
Dương Thị Thu Hoài