Đầu tư gián tiếp vào lĩnh vực điện - Mục tiêu hưởng lợi lâu dài

Thứ ba, 23/7/2013 | 10:08 GMT+7
Vừa qua, sau sự sụt giảm của một số cổ phiếu điện lực mạnh như PPC, TBC, VHS trên các sàn giao dịch chứng khoán, việc nhiều cổ phiếu OTC trong lĩnh vực điện năng bị đóng băng, nhiều Công ty thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam khi tiến hành đấu giá lần đầu (IPO) đã phải đấu giá lại do tỷ lệ nhà đầu tư bỏ tiền cọc quá cao.
Những dấu hiệu này đang đặt ra câu hỏi: Phải chăng các nhà đầu tư đã nản lòng với cổ phiếu điện lực?

Xoay quanh vấn đề này, Ông Chu Văn Hùng, Giám đốc môi giới Công ty chứng khoán Seabank nhìn nhận: Do những biến động theo xu hướng điều chỉnh giảm của thị trường chứng khoán, nên không chỉ các cổ phiếu điện lực mà hầu hết các cổ phiếu trong mọi lĩnh vực đều lâm vào tình cảnh tương tự: Rớt giá trên thị trường niêm yết và đóng băng trên thị trường OTC. Trong tháng qua, giá giao dịch cổ phiếu của Công ty Cổ phần Thủy điện Miền Trung và Thủy điện Miền Nam trên thị trường OTC gần như dẫm chân quanh mức giá 20.000 đồng/cổ phiếu nhưng tỷ lệ giao dịch thành công không đáng kể. Giá giao dịch các cổ phiếu ngành điện trên sàn Tp.HCM, Hà Nội đều ở mức thấp hơn nhiều cổ phiếu của những ngành khác (cổ phiếu Phả Lại, Vĩnh Sơn - Sông Hinh đều xoay quanh mức giá 60.000 đồng/cổ phiếu, Thác Bà cũng chỉ ở mức trên 30.000 đồng/cổ phiếu, thấp nhất trong vòng 5 tháng trở lại đây). Sự sụt giảm nhất thời của thị trường đã ảnh hưởng lớn đến giá các cổ phiếu điện lực, nhưng xét về lâu dài trong bối cảnh nhu cầu điện năng được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao (trung bình khoảng 15-16%/năm từ nay đến 2010), thì đầu tư vào lĩnh vực điện năng sẽ vẫn là lựa chọn đúng đắn trong trung và dài hạn.
Thực tế này cũng được chứng minh qua các đợt IPO của các công ty ngành Điện thời gian qua. Phần lớn các doanh nghiệp điện đã phải tiến hành đấu giá lại lần 2 do nhà đầu tư bỏ tiền cọc (lý do bỏ cọc được lý giải là do xu thế đầu tư theo phong trào của một số lượng rất lớn các đầu tư cá nhân ít hiểu biết về đầu tư chứng khoán khiến giá cổ phiếu bị tăng ảo). Tuy vậy, sau những đợt đấu giá lại của các công ty này thì tình hình đã trở nên khả dĩ hơn. Gần đây, ngày 29/6, Công ty Thủy điện Thác Mơ đã tổ chức bán đấu giá lại 4.659.315 cổ phiếu với kết quả phản ánh tương đối thực về giá trị và tương lai của doanh nghiệp: Giá đấu thành công bình quân đạt 36.786 đồng/cổ phiếu. Tổng số lượng cổ phiếu bán được là 4.659.315 cổ phiếu, trong đó, số cổ phiếu trúng giá của nhà đầu tư nước ngoài là 1.692.392 cổ phiếu, chiếm 37%. Ngày 9/7, Công ty nhiệt điện Bà Rịa cũng tiến hành đấu giá lại 4.803.811 cổ phần, mức giá trúng bình quân đạt 39,425 đồng/cổ phiếu. Các đợt đấu giá lại cổ phần của công ty Tư vấn Xây dựng điện 1, 2 đều thành công, phản ánh đúng giá trị thực của doanh nghiệp. Điều này cho thấy, nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài đã đánh giá đúng mức đầu tư vào ngành Điện là khoản đầu tư dài hạn và an toàn.
Tuy nhiên, bên cạnh quan điểm chung này, các nhà đầu tư cũng chia sẻ những quan ngại khi đầu tư vào lĩnh vực điện năng. Ông Nguyễn Chí Thành - nhà đầu tư cá nhân tại Công ty chứng khoán Thủ Đô cho biết: Điều chúng tôi quan tâm đầu tiên khi đầu tư vào các dự án điện đó là những rủi ro khách quan có thể xảy ra. Đối với các nhà máy nhiệt điện, khi sản lượng khí và than cung cấp bị suy giảm, sản xuất điện sẽ gặp nhiều khó khăn vì phải bổ sung bằng nhiên liệu dầu DO làm cho giá thành tăng cao, khó cạnh tranh khi tham gia thị trường điện. Hơn nữa, chi phí đầu tư sửa chữa, bảo dưỡng hàng năm của nhà máy nhiệt điện khá lớn, do đó ảnh hưởng đến sản lượng điện phát ra và giá thành. Đối với các dự án thủy điện, rủi ro về điều kiện thiên nhiên là nhân tố lớn nhất ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà máy thủy điện. Trong quá trình vận hành, máy móc thiết bị của nhà máy điện có thể bị hỏng dẫn đến việc sản xuất bị gián đoạn làm cho sản lượng điện và doanh thu giảm sút. Ngoài ra, dự án thủy điện thường có thời gian đầu tư kéo dài nhiều năm (trung bình với các dự án do EVN đầu tư thời gian xây dựng phải mất từ 3 - 5 năm). Vốn đầu tư rất lớn, trong khi thời gian đầu tư kéo dài nên khoản nợ phải trả ngân hàng (gốc và lãi) cũng lớn nhất so với các ngành khác.
Bên cạnh đó là những lo ngại từ phía cơ chế chính sách: Đặc thù của ngành kinh doanh điện là giá mua và bán điện phụ thuộc vào sự điều chỉnh giá của Nhà nước (điều chỉnh rất khó khăn và chậm chạp do giá điện ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu hộ gia đình); cho đến nay ngành Điện vẫn phải đảm bảo cả phần công ích cho khu vực điện nông thôn do vậy khả năng tăng giá bán điện sẽ rất khó khăn. Biến động về giá bán điện cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty điện. Có thể lấy ví dụ, hiện nay, EVN mua điện của Nhiệt điện Bà Rịa với mức giá 404,46 đồng/KWh trong giai đoạn 2007-2010. Đây là mức giá bán tương đối cạnh tranh khi thị trường phát điện cạnh tranh được thiết lập. Tuy nhiên, về nguyên tắc, bất cứ nhà máy điện nào, nhỏ hay lớn, trước khi xây dựng đều phải có sự thỏa thuận với EVN về mức giá bán điện, hiện nay, mức giá phải dưới 4,5 cents/kWh mới có cơ hội được EVN phê duyệt. Với mức giá bán điện thấp, trong khi đó, giá thành sản xuất điện không ngừng tăng lên do chi phí đầu vào tăng cũng là một trở ngại lớn buộc các nhà đầu tư phải quan tâm.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng rất hy vọng vào những đổi mới trong cơ chế chính sách của nhà nước trong việc sớm có những quy định nhằm khuyến khích hơn nữa hoạt động đầu tư vào lĩnh vực điện năng như cần có quy chế cụ thể về điện công ích, tạo điều kiện thuận lợi về giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các công trình nguồn điện… Và đáp lại sự kỳ vọng của các nhà đầu tư là những động thái rất tích cực từ phía Chính phủ, Bộ Công nghiệp, EVN và các cơ quan liên quan thời gian qua trong việc nỗ lực lực xây dựng và triển khai thị trường điện cạnh tranh để các nhà đầu tư xây dựng nhà máy điện sớm có thể bán điện trực tiếp đến hộ tiêu dùng.
TC Điện lực số 7 - 2007